Trang chủ Ứng dụng Chống nóng Làm trần cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp

Làm trần cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp

Sau khi chia sẻ ý tưởng làm trần cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp và nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô trong trường, nhất là nhận được hướng dẫn tận tình từ PGS.TS Võ Chí Chính - Phó Trưởng phòng Khoa học, sau đại học và Hợp tác quốc tế, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, các bạn đã trẻ đã bắt đầu thực hiện ý tưởng.

Sản phẩm của nhóm đã được Ban tổ chức Cuộc thi Holcim Prize đánh giá cao ở ý tưởng thân thiện môi trường và khả năng ứng dụng vào thực tế trong việc làm trần chống nóng cho các nhà xưởng, công trình. Cuộc thi Holcim Prize ra đời vào năm 2009, nhằm tôn vinh những ý tưởng đột phá của sinh viên và tạo cơ hội cho những ý tưởng đó ứng dụng vào thực tiễn. Ba lĩnh vực trọng tâm của cuộc thi là bảo vệ môi trường, xây dựng bền vững và phát triển cộng đồng. Holcim Prize năm nay thu hút gần 160 đề tài dự thi của bảy trường đại học trên cả nước.

“Từ ý tưởng đến lúc thực hiện quả thật không dễ dàng. Sau khi nhiều lần thử nghiệm, tụi em nhận thấy không chỉ bã mía, mà cả xơ dừa, rơm rạ, vỏ trấu… cũng có thể tận dụng được để làm” – Tạ Bảo Long cho biết. Tất cả các phế phẩm đó được các bạn sinh viên phơi khô, trộn nguyên liệu và nghiền nát, sau đó đổ chất kết dính vào và ép thành tấm pa-nô, phơi khô.

phepham

Tấm pa-nô này có thể dùng làm trần chống nóng cho nhà, xưởng; vách ngăn cho các công trình xây dựng. Ngoài bảo đảm các tiêu chí như những tấm panô khác như chống cháy, chống mối mọt, tạo xốp không khí trong tấm cách nhiệt… thì các tấm pa-nô sản xuất tận dụng phế phẩm nông nghiệp còn có ưu điểm lớn là giá thành rẻ, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người nông dân.

Trưởng nhóm đề tài Đoàn Nguyên Vân Hiếu cho biết thêm: Cả nhóm mất hơn một năm mới có thể hoàn thành ý tưởng. Trong thời gian đó, tụi em gặp rất nhiều thất bại. Đầu tiên là ép các nguyên liệu thành tấm pa-nô sao cho đúng và chính xác. Sau đó, để cải thiện, cả nhóm tự sáng chế luôn cả máy ép tay tiện phục vụ. Tiếp nữa là tìm ra chất kết dính phù hợp, rẻ để ép các nguyên liệu thành tấm, cả tỉ lệ trộn giữa nguyên liệu và chất keo bảo đảm chất lượng cho sản phẩm…

PGS.TS Võ Chí Chính, giáo viên hướng dẫn nhóm nhận xét về các học trò của mình: “Sau khi nghe các em trình bày về ý tưởng, tôi hoàn toàn ủng hộ và giúp đỡ các em trong quy trình nghiên cứu đề tài. Góp ý kiến những vấn đề mà các em còn thắc mắc như tìm chất keo tạo độ bền cho sản phẩm; nghiên cứu sáng chế ra máy ép; tỉ lệ, độ dày từng tấm pa-nô để phù hợp với thực tế”.

Bằng những ý tưởng và niềm đam mê của mình, nhóm bạn trẻ đã sáng tạo được sản phẩm đầy hữu ích trong cuộc sống. Khi thực hiện đề tài pano cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp, nhóm mong rằng một ngày nào đó, ý tưởng này sẽ được áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, để tấm pa-nô cách nhiệt phổ cập với cộng đồng, các bạn sinh viên cần nhiều cố gắng hơn nữa cũng như sự phối hợp hiệu quả của các nhà khoa học và các doanh nghiệp quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.